Sự Phục sinh của Đấng Christ có ý nghĩa gì với bạn không? Điều này có thực sự tạo nên một khác biệt nào trên đời sống của bạn? Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định những điều trên là có thật qua I Cô-rinh-tô 15.
Trong thư tín gửi những tín hữu thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã nhắc đến một tin vô cùng sửng sốt rằng một vài anh em đã phủ nhận sự sống lại của thân thể như nhiều người Gờ-réc tại Đế quốc La Mã xưa. Và kết cục của họ là sự chết. Trong thực tế, đã không có quá nhiều sự thay đổi kể từ thế kỷ thứ nhất. Ngày nay, những người hay hoài nghi về đức tin vẫn giữ quan điểm như vậy.
Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn cả là vào thời sứ đồ Phao-lô, một bộ phận “Cơ Đốc Nhân” thừa nhận sự phục sinh của Chúa Giê-xu nhưng lại phủ nhận sự sống lại của thân thể. Bằng ngòi bút sắc sảo, Phao-lô đã lập luận rằng không có sự sống lại nếu không chết đi trước. Nếu những người chết đã không sống lại thì Chúa Cứu Thế cũng đã không sống lại được. Và nếu Chúa Cứu Thế đã không sống lại thì mọi sự đều ra vô ích. Thì giờ này, chúng ta hãy cùng xem những ảnh hưởng bởi sự Phục sinh của Đấng Christ cho đời sống Cơ Đốc Nhân chúng ta.
1. Sự Phục sinh của Đấng Christ không tách rời khỏi sứ điệp Phúc Âm
Phao-lô đã nhắc nhớ những anh chị em đồng đức tin của mình rằng:
Nhờ Tin Lành ấy, anh em được cứu rỗi nếu anh em giữ vững điều tôi đã rao giảng; bằng không, anh em có tin cũng vô ích. I Cô-rinh-tô 15:2
Phúc Âm mà Phao-lô nhắc đến luôn xoay quanh sự chết của Đấng Christ “Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:3). Nhưng hãy lưu ý rằng Phao-lô không kết thúc lập luận tại đó. Đấng Christ đã không còn trong sự chết nhưng “Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:4) trước khi hiện ra cho tất cả các sứ đồ.
Phải chăng chúng ta – những người tin Chúa hiểu biết sâu sắc về Phúc Âm – đã gạt bỏ sự Phục sinh ra khỏi sứ điệp Phúc Âm. Tôi biết tôi là người tội lỗi. Khi ngẫm nghĩ đến lần tôi chia sẻ về Chúa cho một người chưa tin, tôi chợt nhận ra rằng tôi đã không hề nhắc đến sự phục sinh, một chút cũng không. Tôi sợ rằng những gì tôi kinh nghiệm về Chúa chẳng phải là những kinh nghiệm cá nhân nhưng là của những người theo phái Phúc Âm. Tuy nhiên, Phao-lô dạy dỗ chúng ta phải hiểu rõ tính xác thực của Kinh Thánh khi chia sẻ Phúc Âm, không được tách rời sự phục sinh của Đấng Christ ra khỏi sự chết của Ngài. Một khi tách rời điều này, chúng ta sẽ bị thiếu sót trầm trọng về tầm quan trọng của sư phục sinh cho sự cứu rỗi của bản thân. Thomas Schreiner đã viết: “Sự chết và sự sống lại của Đấng Christ là hai điều không thể tách rời trong chương trình cứu rỗi nhân loại.”
2. Sự phục sinh của Đấng Christ khiến ta nóng cháy hơn trong việc rao truyền Phúc Âm cho thế gian hư mất
Hãy tự hỏi mình xem nếu Đấng Christ đã không sống lại, thì lời rao giảng của bạn có gì khác biệt không? Nếu câu trả lời là không thì bạn đang có một vấn đề rất nghiêm trọng. Theo như Phao-lô, sự phục sinh của Đấng Christ là một điều khác biệt hoàn toàn với thế gian. Nếu Đấng Christ không sống lại thì “sự rao giảng của chúng tôi là vô ích” (I Cô-rinh-tô 15:14).
Lý do rất đơn giản đó là chúng ta làm chứng dối về Đức Chúa Trời rằng chính Ngài đã khiến Đấng Christ sống lại trong khi Ngài không khiến Đấng Christ sống lại (I Cô-rinh-tô 15:15). Theo đó, nếu Đấng Christ đã không sống lại từ cõi chết thì chúng ta sẽ không có bất kỳ Tin Mừng nào để truyền rao.
3. Sự phục sinh của Đấng Christ mang quyền phép cứu rỗi
Có lẽ điều Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh “nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (I Cô-rinh-tô 15:17). Chúng ta cũng thường giới hạn hiểu biết của chúng ta về quyền phép phục sinh của Đấng Christ. Trong Rô-ma 3:25-26, Phao-lô cũng đã khẳng định rằng sự chết của Đấng Christ là nền tảng cơ bản cho việc minh chứng điều này. Đó là “bởi hành động công chính” (Rô-ma 5:18), ” sinh tế chuộc tội bằng huyết” (Rô-ma 3:25-26) mà những người tội được xưng công chính trước mặt Chúa. Ngoài ra, còn rất nhiều điều cần được phân tích. Không chỉ sự chết thay mà cả sự phục sinh của Đấng Christ đã cứu rỗi chúng ta. Phao-lô lấy ví dụ trong Rô-ma 4:24-25 rằng giống như Áp-ra-ham, chúng ta được kể là công chính vì chúng ta tin Chúa Giê-xu – “Đấng đã sống lại từ cõi chết, mang lấy sự vi phạm của chúng ta và biện hộ thay cho chúng ta.”
Qua việc khiến Chúa Giê-xu từ cõi chết sống lại, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tấm lòng đầy trọn và chấp thuận giá chuộc mà Chúa Giê-xu – con Ngài đã trả cho tội lỗi chúng ta trên thập tự giá. Đức Chúa Trời đã chấp thuận sự chết thay của Đấng Christ bằng việc khiến Ngài từ kẻ chết sống lại và khi nói những ai “ở trong Đấng Christ” (Rô-ma 6:6-11; Ê-phê-sô 2:6; Cô-lô-se 2:12; 3:1), là chỉ chính chúng ta, bởi vậy khi chúng ta tin Chúa, chúng ta đã nhận được ơn cứu rỗi từ nơi Ngài. Do đó, việc chúng ta được biện hộ thay là kết quả từ sự phục sinh của Ngài. Phao-lô đã lập luận chặt chẽ rằng:
Và nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình. I Cô-rinh-tô 15:17
Cho nên nếu chúng ta còn chất chứa tội lỗi thì chúng ta không thể quả quyết, cũng chẳng thể đảm bảo cho sự cứu chuộc của mình. Thật vậy, không hề cường điệu hóa khi nói sự phục sinh của Đấng Christ đem đến sự cứu rỗi cho mỗi chúng ta.
4. Sự phục sinh của Đấng Christ là nền tảng cơ bản cho hy vọng tương lai
Sự phục sinh của Đấng Christ rất có ảnh hưởng trên cuộc sống mỗi chúng ta. Bởi Chúa đã sống lại mà chúng ta có thể nói với những người vừa mất đi người thân rằng sự chết của họ chưa phải là dấu chấm hết của một đời người.
Nếu người thân của bạn tin Chúa thì dẫu rằng họ có đang “ngủ” thì cũng là ngủ “trong Đấng Christ” (1 Cô 15:18). Bởi họ được gắn kết với Đấng đã phục sinh, nên dù thể xác có mất đi nhưng linh hồn của họ sẽ ra đi và về với Đấng Christ (Phi-líp 1:23), họ chờ đợi đến ngày thân thể được biến hóa. Phao-lô đã nhắc đến trong Cô-rinh-tô rằng Đấng Christ là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Mặc dù trong A-đam mọi người đều chết, nhưng trong Đấng Christ mọi người “đều sẽ sống lại”. (I Cô-rinh-tô 15:22)
Nếu không tin vào sự phục sinh của Đấng Christ, hết thảy chúng ta đều không có hy vọng cho tương lai. Phao-lô khẳng định một cách đầy tin quyết rằng nếu Đấng Christ đã không sống lại, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người “thảm hại” hơn hết, bởi hy vọng của chúng ta chỉ hướng về cuộc sống này mà thôi (1 Cô 15:19). Nhưng Đấng Christ đã sống lại để chúng ta biết rằng sự chết không thể đắc thắng, cũng chẳng thể bách hại chúng ta (1 Cô 15:54-55).
Phao-lô đã dùng một ngòi bút sắc sảo để kết luận lại
Vậy, thưa anh em quý mến của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu. Cô-rinh-tô 15:58
Chính Đấng Christ đã phục sinh nên chúng ta, những người ở trong Christ, được đảm bảo rằng công khó trong việc chia sẻ Phúc Âm về một Đấng đã sống lại thực sự không phải là vô ích, mà sẽ còn mãi đến đời đời. Lễ Phục sinh năm nay, đừng quên rao truyền về sự sống lại của Đấng Christ, là điều đã làm thay đổi mọi sự. Nếu không có sự phục sinh, chúng ta sẽ không có Phúc Âm, chẳng có sự cứu rỗi, không còn sứ điệp mừng vui và chắc chắn rằng sẽ không thể có hy vọng vào tương lai.
Theo: TheGospelCoalition